Tự truyện 192 Hours: Tia hi vọng hé lên khi thấy đội cứu hộ (tiếp)

Ngày 20/08/2014 07:40 AM (GMT+7)

"Chúng tôi đi qua xác cô gái trẻ. Đi qua ông “Numachi”. Thi thể của cả hai người này đang phân hủy và được cho vào bao tải đen. Kéo khóa lại", cô kể.

Ngày 11/8, Annette Hefkens, tác giả cuốn 192 Hours - Giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh đã trở lại Việt Nam và tham dự buổi ra mắt sách vào ngày 12/8 tại TP.HCM. Cuốn sách kể về hành trình vật lộn của người phụ nữ Hà Lan sống sót duy nhất trên chuyến bay bị nạn khi di chuyển từ TP.HCM đến Nha Trang, Khánh Hòa.

Xin trích đăng phần tiếp theo,  Đội cứu hộ trong cuốn sách này:

"Chiều muộn, một nhóm đàn ông người Việt bất thình lình xuất hiện từ bụi rậm, mang theo những túi đen cỡ lớn. Tôi không thể tin vào mắt mình. Nhóm người này di chuyển rất có chủ đích. Một thanh niên chừng hai mươi tuổi tiến về phía tôi, tay cầm một mảnh giấy. Anh chồm người tới và cho tôi xem trong mảnh giấy viết gì. Đó là danh sách hành khách.

Anh ta ra dấu, có vẻ như muốn tôi chỉ tên mình. Tôi làm theo và chỉ vào “Annette Henriet”. Anh mỉm cười, và thưởng cho tôi một ngụm nước, đựng trong cái chai nhựa xanh nhạt, hình vuông. Không từ ngữ nào có thể diễn tả hương vị của ngụm nước ít ỏi đó. Rượu sâm banh lúc này cũng không thể so sánh. Chai nước đó mãi mãi đọng lại trong tâm trí tôi – mãi mãi.

Tự truyện 192 Hours: Tia hi vọng hé lên khi thấy đội cứu hộ (tiếp) - 1
Annette Herfkens là người duy nhất còn sống sót trong vụ máy bay rơi ở chân núi Ô Kha, Nha Trang, Khánh Hòa. (Ảnh: Tư liệu)

Thêm nhiều người đàn ông khác tiến tới. Họ cho tôi vào tấm vải bạt, sau đó buộc hai đầu bằng hai cây gậy to. Hai người khiêng tôi lên vai, mỗi người một đầu. Tôi không thể tin những gì đang diễn ra. Nhóm người này bắt đầu di chuyển; và tôi treo tòn ten ở giữa. Chúng tôi đi qua xác cô gái trẻ. Đi qua ông “Numachi”. Thi thể của cả hai người này đang phân hủy và được cho vào bao tải đen. Kéo khóa lại.

Bất thình lình tôi thảng thốt. Vậy Pasje thì sao? Người đàn ông của tôi thì sao? Tôi không muốn bỏ anh lại. Kể từ khi tai nạn xảy ra, đây là lần đầu tiên tôi thật sự hoảng sợ. Họ đang mang tôi đi. Khỏi Pasje của tôi. Khỏi dãy núi của tôi. Khỏi cái nơi mà tôi được bảo bọc! Tôi xin thêm nước, họ cho tôi một ngụm nhỏ. Ngụm nước đó có tác dụng như thuốc an thần.

Chúng tôi di chuyển trong rừng. Tôi nhìn thấy từng chiếc lá thật gần; ánh trời chiều làm bừng sáng từng giọt mưa. Tôi thư giãn, trong khi vẫn bị móc tòn ten trên vai của nhóm người cứu hộ. Họ đi rất khẽ khi lên xuống từng ngọn đồi nhỏ. Tính hài hước của tôi trở lại, tự hỏi: Đâu phải ai cũng có đặc quyền được công kênh như thế này? Chúng tôi gặp một khe nứt sâu và phải băng qua đó. Nhóm người này xếp hàng và chuyền tôi qua từng người một. Họ cực kỳ cố gắng không làm tôi đau, nhưng thực tình tôi không thể không thét lên sau mỗi lần được “chuyển giao” như vậy.

Sau đó, cả nhóm từng người một tháo giày ra. Bây giờ họ khiêng tôi còn khẽ khàng hơn trước. Tôi mỉm cười nhìn cả nhóm đầy biết ơn. Trời bắt đầu chạng vạng. Cả nhóm ngừng lại. Cắm trại nghỉ ngơi sao? Họ nhóm lửa, đặt tôi gần đó, và treo tấm vải bạt giữa hai cây gậy, như một con heo quay.

Tôi xin thêm nước nhưng lần này họ lắc đầu. Tôi xin thêm, lần này xen cả phẫn nộ, như một con nghiện: “Làm ơn cho tôi thêm nước đi!”. Cùng lúc đó, bọn họ luộc cái gì đó trên lửa. Họ nấu cơm. Một lúc sau, họ cho tôi uống nước cơm nóng. Cuối cùng thì cũng được uống! Cũng được. Có còn hơn không rất nhiều. Nhưng tôi vẫn thèm đến phát điên những ngụm nước lạnh trong vắt lúc mới được cứu!

Tôi thức ngủ chập chờn. Nhóm cứu hộ, bây giờ tôi đếm rõ là có sáu người, đang ngồi tán chuyện quanh ngọn lửa. Rổn rảng bằng tiếng Việt. Trò chuyện rất to. Một số đốt thuốc. Bất cứ khi nào có người xuất hiện gần tôi, tôi liền ra dấu xin thêm nước.

Thỉnh thoảng họ cho tôi mấy ngụm nhỏ nước cơm. Nhưng khi tôi ra dấu xin hút thuốc với hai ngón tay đặt trên môi, họ phá ra cười. Cứ như thể tôi hết chuyện đùa. Nhưng tôi có đùa đâu. Tôi mỉm cười và nhún vai. Nhưng tôi biết họ có lý của họ. Tôi thích nhóm này. Sau đó, cả nhóm đi vòng quanh và dạt vào trong lều.

Tôi hoảng sợ, van nài họ: “Làm ơn thắp sáng lên một chút”. Nghĩ cũng lạ: cả khoảng thời gian tám ngày trong rừng một mình không biết sợ là gì, bây giờ bất thình lình tôi lại biết sợ, cái gì cũng thảng thốt. Họ cột cái đèn xách tay lên một cây gậy khác và cho thêm củi vào lửa. Sau đó cả nhóm rút vào lều. Tôi ngủ bên ngoài, treo tòn ten, như một con heo quay".

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sách hay cho bạn