Điều lệ mầm non nhận trẻ 3 tháng: Khó!

Ngày 05/09/2013 15:43 PM (GMT+7)

Theo bà Hoàng Thị Kim Phượng (Phó Phòng GD-ĐT Q.Long Biên), trẻ biết ăn cơm nát hẵng nên đi gửi.

Những sự việc đau lòng gần đây xảy ra do trẻ còn quá nhỏ đã đi học mầm non khiến không ít phụ huynh trăn trở. Cho con đi học trường mầm non từ thời điểm nào, lo con chưa theo kịp bạn bè trong lớp… làm cho nhiều phụ huynh thêm đắn đo. Một thực tế là dù không muốn con phải rời xa vòng tay người thân nhưng hiện nay với sự bận rộn của công việc, nỗi lo cơm áo gạo tiền làm cho các ông bố, bà mẹ phải chấp nhận cho con đi học sớm.

Sau 18 tháng nên đi học?

Hoàng Thị Kim Phượng (Phó Phòng Giáo dục – Đào tạo Quận Long Biên) bày tỏ trăn trở: “Điều 42 trong điều lệ trường mầm non có nói đến trường mầm non nhận cháu từ 3 tháng tuổi thì quá là khó khăn. Hiện nay, chúng ta đang khuyến cáo bà mẹ cho bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu, sau 6 tháng mới cho ăn dặm và có thể bú đến 24 tháng. Điều lệ đưa ra nhận trẻ từ 3 tháng tuổi thì làm sao cháu có thể bú được sữa mẹ hoàn toàn được”.

Cũng theo cô Phượng, trong điều kiện hiện nay để chăm sóc một đứa trẻ không những cần 1 người mà có khi tới 2-3 người. Cho nên, dù những trường mầm non tối ưu cũng không đủ điều kiện để tiếp nhận trẻ ít tháng như thế.

      Điều lệ mầm non nhận trẻ 3 tháng: Khó! - 1

Sự việc xảy ra tại trường mầm non Thiên Thần Nhỏ khiến nhiều phụ huynh lo lắng không biết có nên cho trẻ đi học sớm hay không?

“Theo ý kiến của cá nhân tôi, sau 18 tháng, cho trẻ đi học trường mầm non là tốt hơn. Bởi lúc đó trẻ đã ăn được cơm nát hoặc cháo. Nếu gia đình không có người chăm sóc thì 1 tuổi. Còn dưới 1 tuổi mà cho đi học trường mầm non thì khó khăn lắm”, cô Phượng đứa ra quan điểm.

Mặt khác, cô Phượng cũng trăn trở điều lệ quy định chỉ nhận trẻ khỏe mạnh, không mắc bệnh truyền nhiễm, không bệnh bẩm sinh nguy hiểm nhưng không bắt buộc khi trẻ đến nhập học phải trình sổ khám sức khỏe.

“Điều 6 của quy chế trường mầm non tư thục chỉ yếu cầu chủ nhóm lớp có trình độ tối thiểu là THCS. Tôi không đồng tình quan điểm này. Vấn đề chăm sóc, nuôi dạy trẻ cần có sự khoa học. Nếu tôi được ra văn bản thì trình độ tối thiểu để làm chủ nhóm lớp phải là tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non trở lên và chứng chỉ quản lý mầm non tư thục”, cô Phượng nói thêm.

Cô Phượng cho hay, thực tế, hiện nay trên địa bàn Quận Long Biên không có chủ nhóm lớp tốt nghiệp THCS. “Tuy nhiên, người chủ nhóm lớp phải am hiểu, có kỹ năng nghiệp vụ mới làm được”, cô Phượng nhấn mạnh.

6 tháng đầu hạn chế tối đa việc con tách mẹ

Cũng về vấn đề đưa trẻ đi học mầm non từ bao nhiêu tháng tuổi, PGS – TS Phan Trọng Ngọ (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho hay: “Không thể nói cố định là từ mấy tháng tuổi mới đưa trẻ đi học mầm non được. Tùy từng hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình để gửi con tới lớp mầm non”.

Theo PGS – TS Phan Trọng Ngọ, tại TP.HCM đã có mô hình nhóm lớp 6 tháng tuổi, với 1 cô giáo chăm sóc 5 cháu, mức kinh phí phụ huynh trả là khá cao. “Với điều kiện, bố mẹ đi làm, có thu nhập, không thể trông con thì mô hình là chấp nhận được”, chuyên gia này nhận định.

Hiện nay Luật Lao động đã quy định nghỉ sinh 6 tháng, vì vậy đây là cơ hội để các bà mẹ gần gũi, chăm sóc con tốt hơn. “Có nghĩa trong 6 tháng đầu, về mặt luật, người mẹ không phải lao động nên chỉ chăm con. Về mặt khoa học là hạn chế đến mức tôi đa việc tách con ra khỏi mẹ”, PGS – TS Phan Trọng Ngọ nói thêm.

Điều lệ trường mầm non ban hành kèm theo Quyết định số 14 /2008/QĐ-BGDĐTngày 07 tháng 4 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Điều 42:

1.Trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi được nhận vào nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.

2. Không tiếp nhận trẻ em đang mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh bẩm sinh nguy hiểm vào học trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Trong quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục (Ban hành kèm theo Quyết định số 41 /2008/QĐ/BGDĐTngày 25 tháng 7 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) có ghi:

Điều 16: Chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục

1. Chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục là người đứng tên xin phép thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục.

2. Tiêu chuẩn :

a) Tổ chức, cá nhân đứng tên xin phép thành lập nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục là công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

b) Phẩm chất, đạo đức;

c) Sức khoẻ tốt;

d) Có trình độ văn hoá tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn giáo dục mầm non ít nhất là 30 ngày hoặc chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ quản lý.

Anh Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mẹ và bé