Tự trồng, tự nuôi hay thậm chí... lên rừng, xuống biển kiếm rau, mua thịt cho con là điều không còn mới mẻ với nhiều mẹ có con nhỏ hiện nay.
Có con nhỏ, mỗi khi biết thêm những thông tin về rau củ, thịt cá, hoa quả "bẩn" là không ít mẹ lại thở dài ngán ngẩm. Tìm đâu thực phẩm sạch cho con - đó là câu hỏi vô cùng "hóc búa" với các mẹ mỗi lần xách giỏ ra chợ. Nhiều khi nhón tay nhặt mớ rau, con cá lên rồi lại đặt xuống và đắn đo: "Mua thì sợ độc hại, mà không mua thì... chẳng biết ăn gì!"
Chị Ngọc Anh (Cầu Giấy) kể lại: "Có lần mình thấy rau ngoài chợ tươi ngon, mua vài mớ về để ăn dần. Thế mà chỉ ngày hôm sau thôi số rau đó đã nát bét, bốc mùi khó chịu rồi. Lần khác, khi gắp rau luộc ra đĩa mà mình vẫn thấy như có mùi thuốc trừ sâu bốc lên vậy, mặc dù đã ngâm rửa rất kĩ. Hôm đó mình phải vội vàng đổ bỏ chỗ rau đó chứ không còn hồn vía nào mà ăn nữa. Mà đâu chỉ có rau, nhiều khi mua miếng thịt trông tươi "roi rói" về mà lúc mang ra nấu thấy mùi hôi nồng nặc. Thành ra ăn bữa cơm mà lo nơm nớp. Lo cho mình đã đành, lại còn bọn trẻ nữa. Đang tuổi ăn tuổi lớn mà tiếp xúc với bao nhiêu hóa chất thế này..."
Không ít mẹ có cùng nỗi lo lắng như chị Ngọc Anh. Và để giải quyết những băn khoăn về thực phẩm, nhiều mẹ đã nghĩ ra không ít "chiêu độc" để con được ăn sạch, uống sạch.
Lên rừng kiếm rau...
Mua rau ở các vùng quê bây giờ đã phần nào trở lên "lạc hậu", bởi không phải cứ ở quê là có rau sạch. Chị Hòa (Nam Từ Liêm) cho biết: "Nhà có 2 đứa nhỏ nên mua rau chợ mình cũng lo lắm. Nhất là bé út mới bắt đầu ăn dặm. Dạo trước, thấy chị ở cơ quan bảo có mối rau sạch ở quê nên mình cũng gửi mua "ké". Mỗi tuần một lần, 2 chị em lại ra bến xe nhận và chia nhau số rau củ các loại đủ ăn trong cả tuần. Thích nhất là rau ở quê cực kì đa dạng, mùa nào thức ấy, vừa tươi ngon lại vừa sạch. Mình yên tâm lắm, mỗi lần nấu cháo cho con ăn dặm không còn phải băn khoăn có nên bỏ rau vào hay thôi. Cho đến khi được tận mắt chứng kiến vườn rau đó sạch như thế nào, mình mới ngã ngửa..."
Rất nhiều mẹ như chị Hòa cũng từng ngộ nhận rằng "cứ rau quê là rau sạch" như thế. Để rồi họ mới tả hóa phát hiện ra sự thật hoàn toàn không phải như vậy. Chị Hòa kể tiếp: "Vài tháng sau, nhân có thời gian rảnh nên mình và chị bạn rủ nhau xuống thăm "người quen" vẫn nhờ mua rau trước đó, để cảm ơn và tiện mang rau về luôn. Ai ngờ đến nơi thì bị "sốc nặng" vì biết lâu nay rau nhà mình vẫn ăn không hề sạch như lời giới thiệu. Hóa ra chị ta cũng chỉ là "con buôn" bình thường, nhà tuy có vườn nhưng chỉ trồng vài luống rau nhỏ để ăn thôi, còn rau gửi lên mỗi tuần cho nhà mình thì mua của những người trồng rau khác. Mà vấn đề là ra thăm cánh đồng rau đó, cả mình và chị bạn đều nhăn mặt, hốt hoảng vì thấy người ta xịt thuốc trừ sâu như tưới nước vậy".
Sợ rau chợ, nhiều mẹ phải tìm mua rau rừng. (Ảnh minh họa)
Không "đầu hàng" vụ rau cỏ cho con, chị Hòa quyết tâm tự thân đi kiếm nguồn rau sạch. Lọ mọ tìm hiểu mãi, chị Hòa mạnh dạn "mò" lên tận rừng để mua rau. Chả là nhân một chuyến du lịch ra Quảng Ninh, được "nếm" một số món ăn từ rau rừng rất ngon nên chị lân la hỏi thăm nguồn gốc. Sau đó, chị tìm đến tận nơi những người dân chuyên vào rừng hái rau để hỏi mua. Vì rau mọc trên rừng thì hoàn toàn tự nhiên và sạch, nên chẳng phải "lăn tăn" chuyện hóa chất. Hơn nữa, giá rau cũng không hề đắt như khi ăn trong các nhà hàng, nên chị Hòa đề nghị trả cao hơn một chút và nhờ những người dân gửi lên thành phố cho mình. Nhân tiện, chị còn đặt mua cả gà, cá suối mà họ nuôi hay bắt được để bổ sung nguồn thực phẩm sạch cho gia đình. Chị Hòa cho biết: "Tuy rau rừng ít chủng loại và không phải lúc nào cũng kiếm được nhiều. Nhưng bù lại, ăn vào mình thấy rất ngon miệng vì yên tâm. Hiện tại cũng có nhiều người quen nhờ mình mua giúp, nhưng mình chưa dám nhận lời vì "nguồn hàng" không được phong phú cho lắm!"
Còn chị Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) thì không có thời gian để đến tận nơi tìm mua rau như chị Hòa, tuy nhiên chị lại quen một người bạn chuyên đi thu mua rau sạch ở vùng rừng, núi về bán. Vậy là chị Thanh trở thành khách "ruột" của cô bạn kia. Lần nào rau về, chị cũng là người đầu tiên đến mua, lại mua với số lượng lớn để tích trữ ăn dần. "Bây giờ chỉ có những loại rau mọc trong rừng như rau dớn, rau sắng, bò khai,... là thực sự sạch thôi. Những thứ này thì không thể trộn lẫn với "rau nhà" được vì chúng là loại "đặc chủng" của rừng núi rồi. Nhà mình bây giờ, kể cả bọn trẻ cũng "nghiện" mấy món rau đó vì vừa ngon vừa sạch" - chị Thanh cho biết.
... Xuống tận biển mua cá
Hải sản là món không thể thiếu với các mẹ có con nhỏ, vì chúng không chỉ ngon mà rất tốt cho sức khỏe của bé. Nhưng có điều chẳng mấy mẹ dám "liều" mua hải sản ngoài chợ về cho con, lý do là chúng được bảo quản bởi quá nhiều hóa chất. "Ăn vào chẳng biết có tốt, hay lại khiến con bệnh tật ra ấy chứ!" - Chị Thủy (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.
Cũng có những băn khoăn giống chị Thủy, chị Hà (Tây Hồ, Hà Nội) thì mạnh dạn hơn, chị rủ mấy người bạn cùng phòng chung vốn để đặt mua tôm, cua trực tiếp từ những tàu cá ngoài biển, sau đó 1 phần để ăn, phần còn lại sẽ bán cho các mẹ khác có nhu cầu. Việc đặt hàng thì chị Hà trực tiếp đi tìm hiểu từ chỗ tin cậy, sau đó nhờ người ta cấp đông những hải sản đánh bắt được và chuyển về thành phố. "Hải sản ngon, sạch vì là loại đánh bắt chứ không phải nuôi, nên nhiều mẹ tin tưởng đặt hàng lắm! Giờ "nhóm buôn" của mình cứ bận rộn suốt với việc phân và giao hàng cho các mẹ. Thực ra, mục đích chính của mình chẳng phải là kinh doanh, mà chỉ muốn nhà có đồ sạch cho con ăn, rồi các mẹ khác cũng được như vậy" - chị Hà chia sẻ.
Hầu hết các mẹ như chị Hòa, chị Thủy,... đều cho rằng, dù mất nhiều công sức, lại tốn nhiều tiền hơn cho những thực phẩm sạch, nhưng họ sẵn sàng "đầu tư" để đảm bảo sức khỏe cho cả nhà, nhất là các con. Tuy vậy, những nguồn hàng sạch thế này thường không mấy phổ biến và không phải mẹ nào cũng có điều kiện để mua. Thế nên, nhiều mẹ đã sáng tạo ra những cách khác để tự cung tự cấp thực phẩm sạch cho gia đình.
Biến sân thượng thành vườn rau
Vốn là nơi để phơi đồ và chứa những món đồ linh tinh khác, nhưng vợ chồng Trang (Thanh Xuân, Hà Nội) bảo nhau dọn dẹp cho gọn gàng khu vực sân thượng để... trồng rau! Sau những ngày gian nan, mày mò cách trồng, chăm sóc, hiện giờ vườn rau trên cao nhà Trang đã xanh um, nhìn đến là "ngon mắt". "Bây giờ em chẳng mấy khi phải mua rau ngoài chợ nữa, vì "khu vườn" tuy nhỏ xíu nhưng nhờ chăm sóc tốt nên cũng đủ dùng. Mấy nhà hàng xóm nhìn vườn rau nhà em như vậy nên cũng thi nhau mua hộp xốp về xếp đầy sân thượng. Vừa tận dụng được không gian trống, lại có rau sạch ăn, tội gì mà không làm" - Trang cho biết.
Tận dụng mọi không gian để trồng rau cho con. (Ảnh minh họa)
Tuy vậy, để tự trồng được rau như vợ chồng Trang cũng khá gian nan. Vì phải kiếm đất về đổ đầy các hộp xốp, sau đó thì gieo hạt. Nhưng chăm sóc được các loại rau đó cũng không dễ dàng chút nào, vì mỗi loại cây lại thích hợp với điều kiện chăm sóc khác nhau. Phải lọ mọ học hỏi, tìm hiểu thông tin và thất bại không ít lần Trang mới cho ra đời được "tác phẩm xanh" ngon lành như vậy.
Trang còn bảo: "Nếu sân thượng rộng thêm chút nữa có khi em còn mua gà về nuôi nữa ấy chứ. Giờ cứ tự làm được cái gì là tốt cái đó. Đi mua ở ngoài nhiều khi mất tiền oan!"
Rất nhiều mẹ khác cũng bảo nhau tận dụng triệt để mọi không gian ở nhà và biến thành vườn rau như thế. Có mẹ như Thùy Anh (Đống Đa, Hà Nội) thậm chí đã tạo được một vườn treo cực đẹp ngoài ban công, để vừa có rau ăn lại vừa trang trí cho ngôi nhà thêm đẹp. Thùy Anh cho biết: "Mỗi lúc rảnh rỗi cả nhà lại rủ nhau tưới cây, bắt sâu và chăm sóc cho vườn rau xinh đẹp đó. Không chỉ vui mà nhờ vậy bọn trẻ thêm hào hứng với bữa cơm hơn. Đúng là lợi cả đôi đường mà".
Chuyện thực phẩm bẩn không còn xa lạ gì, nên thay vì ngồi lo lắng thì "đứng lên hành động" như các mẹ trên âu cũng là những cách rất hay. Có thể sẽ vất vả, tốn kém một chút, nhưng để những bữa cơm gia đình thêm ngon lành, yên tâm hơn thì có lẽ công sức các mẹ bỏ ra cũng rất hữu ích rồi. Vì thế, để đám bảo sức khỏe cho cả nhà, các mẹ hãy chịu khó "nghiên cứu" thêm những cách hay ho để có được nguồn thức ăn sạch nhé!