Thời trang công sở: Từ giấc mơ đến bi kịch!

Ngày 23/08/2014 08:53 AM (GMT+7)

Có khi nào bạn nghĩ rằng chúng ta đang như một cái xác ướp khi mặc lên bộ thời trang công sở?

Mỗi lần ngồi chờ xe buýt ở điểm dừng trên những con phố giờ tan tầm lại dấy lên trong tôi cảm giác bùi ngùi. Tôi đang trải nghiệm cuộc sống của mình ở tuổi 25. Giờ tan tầm mang lại cho tôi một cảm giác lạ lùng, tôi sẽ thảnh thơi chạy xe giữa một rừng thời trang công sở. Những đám tắc đường là một cuộc trình diễn thời trang công sở với đủ màu sắc, kích thước, thể loại mà ở đó, ngay cả một anh lái taxi hay người đi chở gas, nhân viên đưa đồ ăn nhanh cũng có đồng phục!

Dọc khắp các con phố, thứ đập vào mắt tôi nhiều nhất cũng vẫn là những cửa hàng thời trang công sở. Thời buổi kinh tế khó khăn, mọi khoản chi tiêu bị cắt giảm. Riêng khoản tiền chi ra cho mỹ phẩm và váy áo công sở vẫn phải giữ nguyên. Qúa đơn giản bởi vì nó là một sự quan trọng hiển nhiên. Thời trang công sở là cái đầu tiên đập vào mắt đối tác và đồng nghiệp, cũng là thứ đầu tiên người ta nhìn thấy ở người đối diện.

Tôi tự hỏi phải chăng đó cũng là những thứ phác họa nên chân dung, giá trị, đẳng cấp ở một con người trong thế kỷ 21 này? Ám ảnh tôi nhất là những chiếc váy. Hình như cứ thời trang công sở là phải váy ấy, áo ấy, đôi giầy kiểu ấy, màu sắc ấy.

Cách đây 4 năm, sau khi tốt nghiệp THPT, tôi nghĩ nếu thi trượt đại học chắc tôi sẽ tự tử hoặc tự dày vò bản thân trong đau khổ. Tôi nghĩ tôi sẽ hoàn toàn đánh mất tương lai. Nhưng thực tế thì tôi đã chui được vào trong một trường đại học, giấu được mình vào đám đông sinh viên, điều đó làm bố mẹ yên tâm hơn hẳn về tiền đồ của đứa con gái ẩm ương, gàn dở này.

Dù thực chất sau này ra trường, tôi nhận ra một sự thật phũ phàng rằng, cảm xúc ấy thật vô căn cứ! Đại học hay không đại học cũng vẫn chạy vạy xin việc như ai!

Tốt nghiệp đại học, xin mãi chưa có việc làm ổn định, nhìn thấy những bạn cùng lớp đã mặc bộ đồng phục đi làm, tôi sốt ruột lắm chứ. Lúc ấy, thời trang công sở đã trở thành biểu tượng trong giấc mơ kẻ thất nghiệp là tôi.

Ấy thế mà thật là kỳ cục, đến lúc được khoác thứ đó lên người, cảm xúc của tôi đã trôi ngược 180 độ: Chỉ muốn cởi ra cho đỡ gò bó!

Thời trang công sở: Từ giấc mơ đến bi kịch! - 1

Thời trang công sở đã trở thành biểu tượng trong giấc mơ kẻ thất nghiệp là tôi. (Ảnh minh họa)

Khi đã khoác được lên người bộ đồng phục của một tập đoàn, một ngân hàng nổi tiếng hay tầm trung thì lúc ấy chúng ta lại thèm muốn những thứ thời thượng hơn, mới mẻ hơn. Những trang phục công sở không phải loại đồng phục may sẵn giống như những bộ đồng phục của học sinh cấp 3 mà được trang trọng và tinh tế đính lên cổ áo hay bên hông váy một cái tên của nhà thiết kế, một thương hiệu thời trang nổi tiếng  nào đó.

Quá trình ấy giống như sự “nâng cấp” của mỹ phẩm trong túi xách bạn. Thời đi học, tôi chỉ có kem chống nẻ không màu hoặc có màu hồng sen nhẹ. Khi đã đi làm, nó nâng tầm thành những cây son đã có mức giá và nhãn hiệu. Rồi dần dần, nó là những cây son hàng hiệu. Và không chỉ dừng lại ở son, kèm đó là kem dưỡng da, kem chống nắng, sữa dưỡng thể, nước hoa, kem tẩy lông,…  ngày càng đắt tiền hơn.

Rất có thể người quản lý trả lương cho bạn để rồi yêu cầu bạn mặc thời trang công sở, cần một cái danh thiếp theo đúng quy định cho bạn, và vô số những quy tắc công sở khác triệt tiêu cái tôi cá nhân lạc loài trong đám đông công sở ấy.

Chúng ta ngày càng giống đám đông hơn, chúng ta ngày càng yên tâm về bản thân hơn, chúng ta ngày càng lạm dụng cảm giác an toàn trong không gian chung, mà quên mất đi không gian cá nhân của bản thân mình.

Hình như phải mặc giống nhau, trang điểm giống nhau thì mới là người bình thường? Càng khác biệt với đám đông, chúng ta càng có vẻ thiếu an toàn. Có lẽ đó là lý do vì sao các hãng thời trang công sở ăn nên làm ra, vì họ không bán quần áo, họ bán cảm giác chuyên nghiệp và nghiêm túc. Và tất nhiên, sự an toàn (an toàn đến nhàm chán) cho cả bạn lẫn người tuyển dụng bạn!

Thời trang công sở: Từ giấc mơ đến bi kịch! - 2

Đừng để tâm hồn chai sạn dần theo lối mòn của thời trang công sở "an toàn"

Đã có sáng nào tỉnh dậy, bạn nhìn thấy trong gương là người phụ nữ mà xã hội mong muốn chứ không phải là người phụ nữ mà bạn mong muốn? Thế nhưng bạn vẫn tiếp tục cầm thỏi son lên và tô, cho kịp giờ đi làm? Bởi bạn biết rõ rằng, cho dù chúng ta thật tài giỏi, chúng ta cũng bị chặn lại ngoài phòng họp chỉ bởi cái bề ngoài luộm thuộm?

Cho dù chúng ta "chat" rất ăn ý và cực kỳ tâm đầu ý hợp với một nick trên mạng, thậm chí đã yêu một người trên mạng, thì khi gặp gỡ, ấn tượng đầu tiên và vẻ bề ngoài vẫn quyết định chúng ta có thực sự yêu nhau hay không! Đơn cử như chuyện một anh chàng nhảy lầu chỉ vì bạn gái trên mạng của mình nhìn ngoài đời trông quá xấu.

Một khi thế giới chúng ta đang sống là cái thế giới để cho bề ngoài quyết định tất cả, thì chúng ta vẫn phải bó mình cho kín như một cái xác ướp trước khi mặc lên bộ thời trang công sở, để mặc xã hội này có nhìn thấy cái gì từ chúng ta hay không?

Bi kịch của thế giới này là, nếu bạn là tổng thống, bạn phải mặc bộ quần áo tổng thống thì mới được xã hội đối xử như tổng thống. Còn bạn mặc quần rách đũng thì bạn chỉ được đối xử như một thằng mặc quần rách đũng. Bởi vẻ ngoài chính là giá trị của con người bạn?

Còn bi kịch chung cho cả thế giới đàn bà lẫn đàn ông hiện nay là: Bạn vẫn có thể bị sa thải cho dù bạn sở hữu bộ não với cả tạ chất xám, trái tim lúc nào cũng sôi sục nhiệt huyết nhưng lại mặc bộ đồ lôi thôi bẩn thỉu?

Và bi kịch của một số lớp trẻ hiện nay phải chăng là: Bề ngoài sẽ quyết định chúng ta có yêu nhau hay không?

Nhưng xin những bạn trẻ ấy hãy hiểu rằng những gì ở bên trong mới quyết định chúng ta sẽ yêu nhau được bao lâu.

Còn với giới văn phòng, hãy tạm hiểu trang phục công sở, không xấu. Nó là cách tôn trọng cơ quan, tôn trọng tổ chức, tôn trọng công việc, tôn trọng đồng nghiệp. Hãy để nó là phụ kiện tôn lên vẻ đẹp giá trị con người bạn chứ đừng để nó là thước đo nhân phẩm hay bất cứ giá trị nào của con người bạn.

Mai Thủy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cảm hứng Eva