Quốc Trí: Đến MasterChef không vì sự nổi tiếng

Ngày 23/07/2013 15:34 PM (GMT+7)

“Trí không phải đến với chương trình vì sự nổi tiếng mà là những cơ hội" - Á quân Vua đầu bếp Việt Nam 2013 chia sẻ.

Đang là sinh viên của ngành quản lý nhà hàng – khách sạn (Đại học Tài chính Marketing TP.HCM), Phan Quốc Trí tham gia cuộc thi MasterChef với khát khao thể hiện được niềm đam mê ẩm thực của bản thân mình.

Từ khi đăng ký tham gia chương trình, cậu không dám nghĩ sẽ đi được một quãng đường xa như vậy và đặc biệt chưa bao giờ tưởng tượng sẽ lọt vào trận chung kết với một đối thủ rất mạnh – anh Ngô Thanh Hòa. Từng xem MasterChef phiên bản Australia và Mỹ, bên cạnh đó là tình yêu với công việc nấu nướng đã chắp cánh mong muốn thử sức khi chương trình được tổ chức tại Việt Nam.

Chế biến thực phẩm một cách “nhân đạo”

Bước vào cuộc thi Vua Đầu Bếp Việt Nam 2013 có nghĩa bạn sẽ chấp nhận những thử  thách để khẳng định mình, nhưng với chàng trai sinh viên 9x trẻ măng này, những điều đó không phải là quá sức. Qua từng chặng đường của cuộc thi, sự chứng minh năng lực bản thân là cơ hội để Trí cho gia đình và mọi người thấy được con đường đi theo nghề đầu bếp của cậu là đúng đắn. Điều quan trọng hơn, theo Trí, đó là được tiếp xúc với những chuyên gia ẩm thực, đầu bếp có uy tín để được nhìn nhận đúng nhất về khả năng của mình.

“Trí không phải đến với chương trình vì sự nổi tiếng mà là những cơ hội. Nếu đạt được giải nhất thì số tiền thưởng cùng hợp đồng viết sách có thể sẽ giúp trang trải một phần học phí khi đi du học. Dù là người thắng cuộc hay không thì có thể ban giám khảo cũng sẽ có sự hỗ trợ và giới thiệu cho Trí những cơ hội khác”, Quốc Trí bộc bạch.

     Quốc Trí: Đến MasterChef không vì sự nổi tiếng - 1

Quốc Trí luôn nở nụ cười rạng rỡ và tinh thần năng động trong từng thử thách của MasterChef Việt Nam 2013

Trở về từ cuộc thi, tập chung kết đã được phát sóng nhưng đọng lại trong Trí có một chút tiếc và hơi buồn. Tuy nhiên, cậu sinh viên này vẫn rất vui, bởi đã được lọt vào trận chung kết, trở thành một trong hai thí sinh xuất sắc nhất và chỉ dừng lại trước một đối thủ rất mạnh.

Ngay từ trước khi tập chung kết ghi hình, Trí luôn xác định tâm lý thoải mái và không gây áp lực cho bản thân. Tuy nhiên, không phải vì thế mà cậu lơ là, danh dự người đầu bếp và bản thân không cho phép bất cứ sự chủ quan nào. “Trí không đặt quá nhiều kỳ vọng, cứ thoải mái và cố gắng hết sức. Nếu thắng thì đó là bất ngờ rất lớn còn nếu đứng ở vị trí á quân thì bản thân cũng hài lòng với những gì đã trình diễn”, Quốc Trí tâm sự.

Quốc Trí: Đến MasterChef không vì sự nổi tiếng - 2

Quốc Trí trưởng thành qua mỗi tập thi

Là một sinh viên 9X, có thể còn ít kinh nghiệm hơn nhiều đối thủ khác trong chương trình MasterChef. Tuy nhiên, khi vào đến tập cuối cùng, Trí xác định phải làm thế nào để khán giả và ban giám khảo thấy được chính bản thân mình là đối thủ xứng đáng. Nếu anh Thanh Hòa có chiến thắng đi chăng nữa thì cũng không phải quá dễ dàng, mà phải có được sự cân bằng, ngang tài ngang sức trong một đấu trí thực sự giữa hai người đều quyết tâm đi tới con đường chuyên nghiệp.

Quốc Trí cho rằng: “Tôi không muốn đóng vai trò là người thất bại để anh Hòa giành chiến thắng. Vì đó là cuộc đua thực sự giữa hai người có khả năng”.

Những kỷ niệm, ấn tượng khi tham dự MasterChef không phải là ít. Tuy nhiên, thử thách khi phải mổ ếch sống để chế biến món ăn khiến Trí thực sự lo lắng. Đó là tình huống mà chưa bao giờ cậu phải đối diện. Trí quan niệm, dù mổ hay giết thịt con vật để chế biến thì cũng phải “ra tay nhân đạo”. Với những con vật như giáp xác như tôm, cua sẽ dùng cách cho vào tủ đông để chúng không cảm thấy đau đớn. Con với gia súc gia cầm sẽ đưa về trạng thái thoải mái nhất trước khi giết mổ.

Quốc Trí nói: ”Đây là cách mà Trí đã đọc được từ một số sách báo. Sau này cũng vậy, khi trở thành đầu bếp chuyên nghiệp, Trí cũng sẽ làm như thế và biết rõ được thực phẩm mà mình chế biến đến từ đầu”.

Tận dụng điểm yếu của đối thủ để bứt phá

Tự nhận là người ít kinh nghiệm hơn những anh, chị lớn tuổi hơn. Bởi, cậu ít được đi đây đi đó và  chưa có cơ hội được nêm nếm nhiều món ăn của các trường phái ẩm thực trên thế giới. Thế nhưng, khi theo dõi cuộc thi MasterChef, hẳn là nhiều khán giả đều khâm phục tài năng của Quốc Trí khi tận thấy những chiếc bánh ngọt đẹp và món tráng miệng hấp dẫn. Điều này dường như là thế mạnh và điểm mà cậu sinh viên 9x này gây ấn tượng sâu sắc với công chúng.

Quốc Trí: Đến MasterChef không vì sự nổi tiếng - 3

Quốc Trí và bố mẹ trong đêm chung kết MasterChef Việt Nam

Tập tành làm bánh ngọt từ khi còn là học sinh cấp 2, Quốc Trí muốn thử sức ở những món ăn mà gia đình ít khi làm hoặc không ai làm được. Cậu còn nhớ, bánh bông lan là món ngọt đầu tiên do tự tay cậu hoàn thành, dù là làm lần đầu nhưng mọi thứ khá thành công. Thích thử sức với những món mới, không ít lần thất bại nhưng điều quan trọng với Trí đó là mỗi bài học được rút ra để lần sau không mắc phải.

     Quốc Trí: Đến MasterChef không vì sự nổi tiếng - 4

Không chỉ có tình yêu và đam mê với ẩm thực mà Quốc Trí còn học giỏi các môn ở trường và được nhiều bạn bè quý mến

Từ thế mạnh này, tận dụng được ưu thế kinh nghiệm làm bánh ngọt, cậu đã chứng minh được khả năng tiềm tàng cùng sức sáng tạo mãnh liệt trong suốt cuộc thi MasterChef

Quốc Trí tâm sự: “So với những thí sinh khác, có thể Trí biết được nhiều hơn một chút về món ngọt, còn những người khác biết ít hoặc không biết. Trong một cuộc thi như vậy, việc tận dụng điểm yếu của đối thủ và khả năng của bản thân để vượt lên, bứt phá là điều nên làm”.

Quốc Trí: Đến MasterChef không vì sự nổi tiếng - 5

Món bò nướng gỏi Việt

Quốc Trí: Đến MasterChef không vì sự nổi tiếng - 6

Món khai vị súp hải sản tôm và cá điêu hồng

Quốc Trí: Đến MasterChef không vì sự nổi tiếng - 7

Món tráng miệng souffle sầu riêng - Những món ăn mà Trí đã trổ tài trong đêm chung kết

Cột mốc để Trí nhận thấy mình nên tận dụng triệt để điểm mạnh của bản thân để khắc chế điểm yếu của đối thủ là trong thử thách làm Cupcake. Khi thấy mọi người lúng túng với đề bài và mình đã rất bất ngờ vươn lên giành chiến thắng, bất giờ giành lấy giải thưởng của nhà tài trợ: Chiếc lò nướng cao cấp trị giá 28 triệu đồng. Đó là điều không ngờ đến, một giải thưởng duy nhất, điều Trí (cũng như bất kì ai thích làm những món ngọt) ước mong từ khá lâu, một công cụ hỗ trợ đắc lực cho những sáng tạo sắp đến, đặc biệt về tráng miệng. Đó là giây phút Trí cảm thấy mình thật sự nên nắm lấy cơ hội bứt phá của mình tốt hơn.

Bố mẹ từng không ủng hộ theo nghề bếp

Khoảng 5-6 tuổi, Trí bắt đầu vào bếp để học những thao tác đầu tiên như nấu cơm, cắt thái thực phẩm, chiên trứng… nhưng việc làm bếp cũng chỉ dừng lại ở đó. Trí kể, hồi nhỏ còn ham chơi, thêm nữa ở nhà có mẹ và người giúp việc nên chuyện nấu ăn cậu không phải bận tâm quá nhiều.

Tới năm 13 tuổi, tình yêu với công việc nấu nướng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của Quốc Trí. Thích ăn ngon nhưng ở nhà không ai làm được nên cậu sẵn sàng lăn vào bếp để làm những món mới. Càng làm món ăn, sáng tạo thì càng bị cuốn hút nên từ khi học cấp 3, Trí xác định sẽ đi theo con đường trở thành đầu bếp và quyết tâm sẽ thực hiện ước mơ này.

      Quốc Trí: Đến MasterChef không vì sự nổi tiếng - 8

Quốc Trí và một người bạn rạng rỡ trong ngày chia tay trường THPT

Thế nhưng, con đường đi tới ước mơ bấy lâu của Trí chưa thực sự vất vả bằng việc thuyết phục bố mẹ ủng hộ cậu trở thành đầu bếp. Từ khi còn là học sinh cấp 2 và cấp 3, Trí đều là học sinh của trường chuyên, vì vậy việc trở thành đầu bếp “không giống như mọi người và bố mẹ kỳ vọng” – Trí chia sẻ. Cậu đã mất hàng năm trời để chứng minh và thuyết phục cho bố mẹ thấy được niềm đam mê ẩm thực và tài năng của mình.

Quốc Trí bày tỏ: “Nhiều người vẫn nghĩ rằng làm đầu bếp là không cần sử dụng đến trí tuệ nhiều, ngay cả bố mẹ mình cũng vậy, cho nên không muốn con đi theo nghề này. Tuy nhiên, Trí thấy, người đầu bếp vẫn sáng tạo, sử dụng chất xám đề làm ra những món ăn tinh tế và đẹp mắt, ngon miệng phục vụ các thực khách”,

Theo Quốc Trí, quyết định chọn học ngành quản trị nhà hàng – khách sạn là “lựa chọn vẹn cả đôi đường”. Bởi bố mẹ luôn muốn cậu học trong một trường đại học công lập, mức học phí vừa phải. Còn với bản thân Trí, hiện nay, ngành đầu bếp chưa được đào tạo một cách quy củ ở Việt Nam nên việc chọn quản trị nhà hàng – khách sạn cũng có liên quan ít nhiều đến việc thực hiện ước mơ từ lâu. Đó cũng sẽ là thời gian để cậu chuẩn bị hành trang cho việc đi du học ngành ẩm thực trong tương lai.

Không chỉ có học giỏi mà Quốc Trí còn là sinh viên năng nổ, tích cực tham gia các hoạt động Đoàn của trường. Bởi cậu quan niệm có thêm người bạn mới sẽ giúp cuộc sống ý nghĩa hơn. Sự năng động và tự tin đó đã mang đến cho Á quân Vua Đầu Bếp Việt Nam mua đầu tiên tinh thần sẵn sàng đương đầu với thử thách. Và hình ảnh một thanh niên trẻ tuổi 9x đầy năng lượng không còn xa lạ với khán giả trong suốt hành trình MasterChef Việt Nam 2013.

Trong suy nghĩ của mọi người, nghề đầu bếp đôi khi cần sự yên tĩnh còn với Trí thích sự năng động và  các hoạt đông sôi nổi, điều này có vẻ như mâu thuẫn nhưng cậu lại cho rằng: “Làm đầu bếp và đặc biệt là bếp trưởng cũng cần biết kỹ năng giao tiếp để giới thiệu những món ăn hoặc bản thân mình với mọi người. Ngoài ra, còn cần kỹ năng làm việc nhóm và lãnh đạo. Những điều đó Trí được học trong quá trình tham gia hoạt động Đoàn”,

Nói về dự định tương lai, Á quân MasterChef Vietnam - Vua Đầu Bếp mùa đầu tiên cho biết, cậu đang ấp ủ dự định đi du học về ẩm thực ở nước ngoài. Đó sẽ là cơ hội để Quốc Trí trải nghiệm và hiểu biết những kiến thức ẩm thực nhiều nước trên thế giới.

Chung kết MasterChef Việt Nam 2013 đã khép lại, người thắng cuộc đã có, với vị trí Á quân mà Quốc Trí giành được khiến nhiều người không khỏi ngưỡng mộ. Cậu là một trong những hình ảnh tiêu biểu cho thế hệ 9x năng động, sáng tạo và dám thể hiện tài năng của bản thân.

Anh Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Vua Đầu Bếp – MasterChef Vietnam