Gia tăng mạnh dịch đau mắt đỏ tại Hà Nội

Ngày 23/09/2014 09:01 AM (GMT+7)

Từ đầu vụ dịch đến ngày 14/9, TP Hà Nội chỉ ghi nhận hơn 1.870 ca đau mắt đỏ thì chỉ trong một tuần (15-21/9), số ca bệnh đã là hơn 4.100. Dịch đang có xu hướng gia tăng mạnh do sự thay đổi thời tiết.

Tại Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội), số lượng bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ gần đây tăng mạnh, chiếm khoảng 25-40% tổng số bệnh nhân. Bệnh rất dễ dây lay lan, đối tượng mắc có thể cả người lớn và trẻ nhỏ, có nhiều trường hợp cả gia đình cùng bị đau mắt đỏ.

Theo Sở Y tế Hà Nội, các ca bệnh đau mắt đỏ rải rác tại các quận, huyện, thị xã. Bệnh có xu hướng gia tăng do thời tiết chuyển mùa từ nắng nóng sang mưa nhiều, độ ẩm tăng tạo điều kiện thuận lợi cho virus Adenovirus phát triển và gây bệnh. Sở sẽ tiếp tục kiểm tra công tác phòng chống dịch, tăng cường công tác phòng, chống bệnh tập trung vào việc hướng dẫn vệ sinh và phòng chống bệnh trong trường học và tại cộng đồng. Ngoài ra, TTYT các quận, huyện phải rà soát thống kê chính xác số lượng bệnh nhân; theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh để phát hiện sớm và khoanh vùng xử lý kịp thời ổ dịch...

Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội), cho biết, bệnh liên quan đến khí hậu và địa lý. Nóng nực, độ ẩm cao làm bệnh phát triển mạnh. Kiểu thời tiết mùa nóng, mùa mưa bão thường trùng đúng đỉnh dịch. Năm nay dịch đau mắt đỏ đến muộn hơn năm ngoái, học sinh đang trong mùa tựu trường, nên để ngăn ngừa lây lan thì ngành y tế, cha mẹ, thầy cô cũng nên có ý thức phòng bệnh triệt để, điều trị quyết liệt, kiêng cữ nghiêm túc hơn. Bệnh sẽ lui giảm dần và gần như không xuất hiện nữa khi có cơn gió mùa đông bắc đầu tiên tràn về miền Bắc. Tình hình bệnh năm nay không có lý do gì đáng gọi là “nguy hiểm” hay “báo động”.

Gia tăng mạnh dịch đau mắt đỏ tại Hà Nội - 1

                Số ca đau mắt đỏ tại Hà Nội có xu hướng tăng mạnh. Ảnh: Hà Linh.

Theo bác sĩ, trẻ em thường nhậy cảm với các loại virus nói chung, do vậy cũng dễ bị đau mắt đỏ. Ngược lại, người già ít gặp đau mắt đỏ, có lẽ mô kết mạc đã xơ và lão hóa không thích hợp cho virus phát triển. Bệnh lây qua 3 đường chính: hơi thở và nước bọt, lây trực tiếp tay – mắt, quan hệ vợ chồng.

Đỏ mắt, ra gỉ, không gây mờ mắt đó là 3 dấu hiệu chủ yếu của đau mắt đỏ. Bệnh thường xảy ra ở một mắt và nhanh chóng lan ra mắt còn lại. Lành tính và khỏi bệnh sau 7 đến 10 ngày. Lá thuốc có tinh dầu như trầu không làm tăng nặng triệu chứng, nặng hơn có thể gây bỏng mắt. Một số người có kinh nghiệm xông lá dâu, hoa cúc, lá tre ở khoảng cách an toàn, khi bệnh đã ở giai đoạn lui giảm có thể làm mắt dễ chịu, đỡ vướng cộm. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể có biến chứng như: viêm giác mạc các dạng: viêm giác mạc sợi, viêm giác mạc đốm, viêm giác mạc sâu...có thể gây sẹo, giảm thị lực hoặc mù lòa.

Bác sĩ khuyến cáo, cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện triệt để các biện pháp vệ sinh và cách ly với người bệnh; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; rửa mắt ít nhất 3 lần hàng ngày bằng nước muối sinh lý vào các buổi sáng, trưa, tối. Trong gia đình thì cần cách ly tối đa người bệnh với người xung quanh: đeo khẩu trang cho họ hoặc tránh nói chuyện với bệnh nhân ở cự ly dưới 1m, không dùng chung đồ vật với bệnh nhân, tránh bắt tay ôm hôn; không sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm và hạn chế đi bơi.

Trường học là môi trường dễ lây lan bệnh vì thế trẻ khi phát hiện đau mắt đỏ cần được nghỉ học 5-7 ngày. Trong mùa dịch, các em cũng cần phải được rửa tay thường xuyên bằng nước rửa tay chuyên dụng, tra nước muối rửa mắt, sát trùng vật dụng chung hay xử dụng: các tay nắm cửa, nút bấm thang máy...

Hà Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot