Nguy cơ bị bỏng từ miếng dán giữ nhiệt

Ngày 09/01/2013 14:42 PM (GMT+7)

Với nhiệt độ ngoài trời xuống thấp như hiện nay, miếng dán giữ nhiệt cho cơ thể được nhiều người tiêu dùng chọn mua.

Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường cho người sử dụng.

Tràn ngập miếng dán giữ nhiệt

Nếu như ở nước ngoài, miếng dán giữ nhiệt cho cơ thể đã được sử dụng rộng rãi, thì tại VN, miếng dán loại này mới có mặt trên thị trường cách đây khoảng 3 - 4 năm và đặc biệt được ưa chuộng trong 2 năm trở lại đây.

Theo quảng cáo của chị Thu Hiền trên trang web enbac.com, miếng dán giữ nhiệt trên thị trường có thành phần gồm than hoạt tính, bột sắt, nước, vamiculite và muối với nhiệt độ của những tấm dán có thể lên tới trên 60oC, được hoạt động theo nguyên lý phản ứng ôxy hóa kim loại, từ đó sinh ra nhiệt làm ấm. Sản phẩm này có xuất xứ chủ yếu từ Nhật Bản, Hàn Quốc với giá từ 15.000 – 25.000 đồng/tấm (tùy thuộc vào kích thước tấm dán), nếu mua số lượng lớn thì giá giảm đôi chút.

Ngoài ra, cách sử dụng miếng dán giữ nhiệt này cũng rất đơn giản: Người dùng chỉ cần bóc lớp vỏ bên ngoài rồi dán lên quần áo, nếu muốn nóng nhanh thì có thể dán thẳng trực tiếp lên da. “Do hiện đang vào mùa cưới, trong khi thời tiết lại quá lạnh nên rất nhiều cô dâu mua miếng dán giữ nhiệt để dùng trong ngày cưới, bởi váy cưới thì thường rất hở.

Tôi đã từng biết có cô dâu trong ngày cưới mấy hôm vừa rồi phải dán 3 - 4 miếng quanh người để giữ ấm. Bên cạnh đó, có khá nhiều phụ huynh mua miếng dán này để dùng cho con nhỏ khi đến trường vì họ sợ con em mình không chịu nổi cái lạnh của những đợt rét đậm, rét hại” – chị Hiền chia sẻ.

Nguy cơ bị bỏng từ miếng dán giữ nhiệt - 1
Chỉ nên dán tấm dán giữ nhiệt lên quần áo để tránh cho da bị bỏng.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là rất nhiều người bán hàng khi được hỏi đều không nắm rõ cách sử dụng cũng như nguồn gốc xuất xứ thật sự của loại sản phẩm này. Theo chị Hồng Ánh (chủ một gian hàng bán tấm dán giữ nhiệt trên trang web muare) thì do đây chủ yếu là hàng xách tay nên nhiều loại miếng dán không có nhãn phụ ghi hướng dẫn, cách sử dụng bằng tiếng Việt.

Bên cạnh đó, trên các sản phẩm đều ghi bằng tiếng Nhật nên việc tra cứu cách dùng cũng như sử dụng sao cho đúng cách của khách hàng gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, các cửa hàng mỗi nơi lại nói cách sử dụng khác nhau, người thì bảo khi dùng dán qua quần áo cũng được, dán trực tiếp lên da cũng chẳng sao; hay miếng dán này ai dùng cũng được, không chống chỉ định cho bất kỳ đối tượng nào... khiến người tiêu dùng khó khăn về cách dùng sao cho đúng.

Cẩn thận khi sử dụng

Qua tìm hiểu, với miếng dán giữ nhiệt, nhà sản xuất khuyến cáo tuyệt đối không được dán chúng trực tiếp lên da vì nhiệt độ của những tấm dán này rất cao nên rất dễ gây bỏng, phồng rộp da cho người sử dụng. Chỉ nên dán chúng thông qua quần áo hay tất để làm giảm nhiệt độ tấm dán sao cho phù hợp với nhiệt độ cơ thể. Ngoài ra, không được sử dụng miếng dán giữ nhiệt trong khi ngủ, bởi nếu sử dụng miếng dán này trong thời gian dài, mà người dùng lại ngủ say, có thể dẫn tới những triệu chứng có hại cho sức khỏe.

Theo các bác sĩ chuyên khoa da liễu thì người dùng tuyệt đối không được dán miếng dán này lên miệng, hay mắt, bởi vùng da tại đây mỏng, dễ bị kích ứng dẫn tới bỏng, phồng rộp da; đồng thời, khi dán mà cảm thấy quá nóng thì nên chuyển tấm dán sang vị trí khác.

Đặc biệt, với những bệnh nhân đái tháo đường hay rối loạn hoặc nghẽn tắc mạch máu, khi sử dụng miếng dán này cần tham khảo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa; không nên dùng cho trẻ sơ sinh hoặc người bị liệt, không có khả năng tự di chuyển cơ thể.

Ngoài ra, chỉ nên chọn mua những miếng dán có nguồn gốc, được phân phối bởi những Cty có uy tín để tránh mua cũng như sử dụng những miếng dán trôi nổi, có xuất xứ không rõ ràng, có thể khiến người dùng bị những tác dụng phụ, có hại cho sức khỏe.

Tin tức đang được đọc nhiều nhất:

Theo Quỳnh Nguyễn (Báo Lao Động)
Nguồn: