Nỗi lòng người bà có cháu chết vì tiêu chảy cấp

Ngày 24/07/2014 16:28 PM (GMT+7)

Bà Linh hối hận: “Nếu tôi không cho cháu uống thuốc theo kinh nghiệm mà đưa thẳng lên bệnh viện liền thì đâu đến nỗi”.

Tử vong vì uống thuốc theo kinh nghiệm

Mấy ngày gần đây, người dân TP.HCM rất lo lắng vì có thông tin ổ dịch đầu tiên đã xuất hiện. Sáng 24/7/2014, chúng tôi đã tìm về ổ dịch này tại tổ 8, ấp 1, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh. Trong căn nhà xập xệ, ruồi nhặng bay tứ tung, bà Phạm Thị Linh ái ngại: “Ở đây là thế. Chúng tôi tìm mọi cách diệt ruồi, muỗi nhưng vẫn bất lực. Chẳng biết ở đâu mà chúng nhiều quá”.

Bà Linh cho biết, bà có bảy cháu nội, tất cả đang độ tuổi ăn, tuổi lớn. Cách đây chừng nửa tháng, cháu Hứa Gia Bảo (10 tháng tuổi) bị đau bụng, khóc ré rất khó chịu. Mỗi ngày, cháu bị tiêu chảy khoảng 10 lần, phân có nhiều máu, mùi tanh nồng. Khi cháu Bảo mệt rã, chỉ nằm im, gia đình vội vàng đưa lên bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu và chữa trị. Nhờ sự tận tình của đội ngũ y bác sĩ, đến nay, cháu Bảo đã được xuất viện nhưng vẫn còn đi tiêu lỏng.

Nỗi lòng người bà có cháu chết vì tiêu chảy cấp - 1

Một đứa trẻ bị tiêu chảy cấp được cha mẹ chăm sóc tại bệnh viện

Mắt bà Linh buồn hiu: “Còn thằng T. thì không được may mắn như cháu Bảo”. Theo lời bà Linh, sau khi cháu Bảo bị tiêu chảy mấy ngày thì anh em chú bác với Bảo là Phạm Nghĩa T. (10 tháng tuổi) cũng đi phân lỏng, hôi tanh. Thấy cháu T. bị tiêu chảy nhẹ nên bà ra chợ mua thuốc Trung Quốc cho uống theo kinh nghiệm. Tuy nhiên, càng uống thuốc Trung Quốc, bệnh tình của cháu T. lại càng nghiêm trọng. Sau đó, gia đình chở cháu lên bệnh viện Nhi Đồng 1. Mặc dù được chữa trị nhưng bệnh tình quá nặng nên cháu đã tử vong. Bà Linh hối hận: “Nếu tôi không cho cháu uống thuốc theo kinh nghiệm mà đưa thẳng lên bệnh viện liền thì đâu đến nỗi”.

Bên cạnh đó, bà Linh còn cho hay, hiện nay, chị ruột của cháu Bảo là cháu Hứa Thị Huỳnh Như (SN 2012) cũng đang bị tiêu chảy, nằm điều trị tại bệnh viện Nhi đồng 1. “Tôi hy vọng cháu nó sẽ ổn định sớm và nhanh chóng được xuất viện”, bà chia sẻ.

Bà Linh cho biết thêm, gia đình bắt nước máy của hàng xóm, mỗi khối phải trả 20.000 đồng. Đến tháng Tết giá nước tăng lên 30.000 đồng. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại đông người nên không dám xài nước máy, phải tận dụng nước ở ao, hồ xung quanh.

Đi cầu tõm nên mang bệnh?

Theo ghi nhận của chúng tôi, khu vực ổ dịch rất mất vệ sinh, ao tù đọng, có nhiều rác thải nổi lềnh bềnh bên trên. Nhiều người dân xả rác thẳng xuống những chiếc ao này gây ô nhiễm, hôi thối. Rác thải sinh hoạt, nhiều hộ dân cũng vứt thẳng xuống ao. Không chỉ thế, nước sinh hoạt cũng được xả thẳng xuống những chỗ này.

Nhiều người dân cũng cho biết, xác, chất thải của gia cầm, gia súc được xả xuống ao. Đặc biệt, người dân ở đây do hoàn cảnh khó khăn, hầu hết vẫn chưa xây được nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn mà thay vào đó là đi cầu tõm. “Ở đây, cái ăn, cái mặc còn khó, nói gì đến xây nhà vệ sinh”, một người dân chia sẻ.

Nỗi lòng người bà có cháu chết vì tiêu chảy cấp - 2

Ổ dịch đã được y tế dự phòng địa phương phun thuốc khử khuẩn

Được biết, đây là khu vực có mô hình vườn – ao – chuồng theo mô hình cũ không đảm bảo vệ sinh. Người dân nuôi gà, vịt, rồi cho phân xuống ao nuôi cá tra, cá rô phi. Một số gia đình xây nhà vệ sinh đàn hoàng nhưng vẫn có đường ống đổ ra ao. Không chỉ thế, khu vực này thuộc quy hoạch của hai dự án nhà ở xã hội đang được giải tỏa di dời nên cơ sở hạ tầng kém.

Theo UBND xã Lê Minh Xuân, ổ dịch này hiện nay có 9 trường hợp, trong đó, 2 người lớn và 7 trẻ em bị bệnh tiêu chảy. Đặc biệt, cháu T. đã tử vong. Nguyên nhân cháu T. tử vong được xác định là sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa.

Hai trường hợp mới được phát hiện là Trần Minh Lý (SN 1985) và Trần Ngọc Qúy (SN 2011). Qúy là chị con người bác và sống cùng nhà với nạn nhân T.. Hiện nay, còn có hai trường hợp bị tiêu chảy cấp rất nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới và Bệnh viện Nhi đồng 1. Tất cả trường hợp đề tiêu chảy mất nước nặng, dương tính với vi khuẩn kháng sinh E. Coli ESBL… Có 30 hộ gia đình với trên 100 người đang sinh sống trong ổ dịch này. Họ chủ yếu là người nhập cư ở nông trường Lê Minh Xuân cũ và mưu sinh chủ yếu là nuôi cá.

Nhật Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot