Thảm họa lật cầu Chu Va 6: Nỗi đau đeo đẳng

Ngày 27/03/2014 07:08 AM (GMT+7)

Tròn một tháng sau ngày xảy ra vụ lật cầu làm bàng hoàng người dân cả nước, cuộc sống ở bản Chu Va vẫn chìm trong tĩnh lặng, bi thương. Cái ngày tang chồng tang trong vụ lật cầu treo Chu Va 6 (ngày 24/2/2014 - PV) ở xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu sẽ còn đeo đẳng mãi người dân nơi đây...

Ngày 25/3, chúng tôi trở lại Chu Va cùng đoàn công tác trao quà ủng hộ các nạn nhân vụ lật cầu với hy vọng làm vợi bớt phần nào nỗi đau và giúp bà con sớm ổn định cuộc sống.

Đêm nào cũng khóc

Trời chưa ngả về chiều, trên con đường tạm bắc dưới suối Khe Hồ thay cho chiếc cầu đã bị lật thi thoảng mới có vài bóng người lặng lẽ đi qua. Chủ tịch xã Vàng A Hồ, người cũng ở bản Chu Va vừa dẫn chúng tôi đi thăm bản vừa nói: Trước khi cầu treo lật, ngày nào người và xe cũng đi lại nhộp nhịp. Giờ đã có đường tạm rồi nhưng nhiều người vẫn còn hoảng sợ và sốc nặng, chỉ ngồi lì trong nhà, không dám qua suối, nên mới vắng vẻ thế. “Tang thương chồng chất. Dân bản chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh hãi hùng như vậy. 8 người đã thiệt mạng, người bị thương thì la liệt. Một số người hiện vẫn phải điều trị, chưa biết bao giờ mới hồi phục” - ông Vàng A Hồ buồn bã nói.  

Thảm họa lật cầu Chu Va 6: Nỗi đau đeo đẳng - 1

 Chị Cứ Thị Giàng (có chồng là Hàng A Khua thiệt mạng trong vụ lật cầu Chu Va 6) đang mong chờ vụ việc được xử lý rõ ràng và sớm có cầu mới thay đường tạm qua suối

Trong danh sách 8 người bị thiệt mạng hôm ấy thì cả 8 người đều là đàn ông, trong đó 6 người đang có con nhỏ. Gia cảnh của những người này đều rất éo le, gần 20 đứa trẻ mồ côi cha trong cùng một ngày đang đối diện với tương lai mịt mờ. Lúc chúng tôi đến thăm nhà nạn nhân Hàng A Khua, gặp 5 đứa nhỏ côi cút, chỉ có cô con gái lớn 13 tuổi Hàng Thị Mù phần nào thấu hiểu được sự hiu quạnh của gia đình mình và thương mẹ khi người cha mất đi. 4 đứa nhỏ còn lại mới chỉ học lớp 1 hoặc đang phải địu trên lưng vẫn ngây thơ chơi đùa. Mù bảo, ngày nào em cũng nhớ bố, thương mẹ vất vả lên nương trồng cây thảo quả nuôi mấy chị em. Hai bé gái sinh đôi học lớp 1 được đặt tên Quê và Hương chỉ biết hỏi mẹ và chị: “Không biết bố đi đâu mà chẳng về dắt tay đến lớp học nữa, nên con phải tự đi. Mà cũng chẳng thấy bố cho đi chơi thả diều, đi tìm quả chín trên nương. Cũng không thấy bố bổ củi cho mẹ nấu cơm”. Còn chị Cứ Thị Giàng - người vợ góa, sau ngày chồng mất gầy rộc đi, mọi công việc nặng nhọc phải nhờ anh trai đến làm giúp.

Thảm họa lật cầu Chu Va 6: Nỗi đau đeo đẳng - 2

Ông Đỗ Nga Việt - Chủ tịch công đoàn GTVT VN (người bế cháu nhỏ) và ông Nguyễn Bá Kiên - Tổng Biên tập Báo Giao thông (người thứ 5 từ trái qua) trao quà từ thiện cho các nạn nhân và gia đình nạn nhân

Gia cảnh chị Hàng Thị La cũng chẳng khấm khá hơn. Anh chị có 3 đứa con. Sau ngày chồng mất, chị phải nhờ bố đẻ đến trông nom cửa nhà và đỡ đần công việc nặng nhọc. Chị nép chặt bậu cửa sụt sùi: “Từ ngày chồng mất đêm nào cũng khóc. Thương con không còn cha, lại cũng nhớ chồng vì bao năm rồi vợ chồng đi làm nương rẫy cùng nhau, đi chợ thị trấn hay đi Sapa, về Hà Nội chơi cũng đi cùng nhau…”. Đứa con trai Vàng A Sinh mếu máo khi được hỏi về bố: “Bố ơi con nhớ bố lắm”. Từ hôm bố mất, vẻ mặt Vàng A Sinh lúc nào cũng thất thần, nhất là những khi có người nhắc đến vụ tai nạn kinh hoàng tại cầu Chu Va 6.

Cám cảnh hơn là gia đình chị Vàng Thị Bơ - 34 tuổi, nhà nghèo đến mức trong nhà không có nổi chiếc bàn uống nước. Chị sống với mẹ già hơn 80 tuổi. Cách đây 7 năm, hai vợ chồng lấy nhau và về ở cùng nhà, đến giờ vẫn chưa có mụn con. Giờ chồng mất, chỉ còn mẹ già, gia cảnh càng thêm hiu quạnh.   

Thảm họa lật cầu Chu Va 6: Nỗi đau đeo đẳng - 3

Chang A Nam (thứ ba từ trái sang) bị cắt một bên lá lách và một quả thận

Nhiều hộ sẽ tái nghèo

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đỗ Văn Giang - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết, đến giờ hầu hết nạn nhân đã xuất viện nhưng phải cần thêm thời gian để đánh giá về tình trạng thương tật lâu dài. Bệnh viện không thu tiền của bệnh nhân, kể cả những người không có bảo hiểm, bệnh viện cũng báo cáo tỉnh để xin chủ trương giải quyết. Bệnh viện tỉnh sẵn sàng tiếp nhận những bệnh nhân tái khám để giúp họ ổn định sức khỏe.

"Từ tháng 5 trở đi, nước suối Khe Hồ sẽ dâng cao và đường tạm dưới suối bây giờ sẽ không thể sử dụng được nữa. Nếu không có cầu mới, xã cũng sẽ dùng ván gỗ bắc tạm qua chiếc cầu Chu Va ngày trước để bà con đi lại, nhưng cũng chẳng biết có an toàn không”.

Ông Vàng A Hồ Chủ tịch UBND xã Sơn Bình

Theo ông Giang, các nạn nhân khi được xuất viện đều bày tỏ sự cảm ơn chân thành đến Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và lãnh đạo Bộ GTVT, các cơ quan chức năng đã có những chỉ đạo kịp thời khắc phục hậu quả vụ tai nạn, nhất là việc điều bác sỹ, thuốc men từ Hà Nội lên Lai Châu chữa trị cho các nạn nhân, hạn chế tới mức tối đa thương vong. Khi được hỏi về gia cảnh, họ đều có chung câu trả lời, may mà không phải nộp bất kỳ đồng viện phí, thuốc thang nào nên đỡ phải chạy vạy vay mượn nhiều. 

Thế nhưng, khi gặp lại họ, nhất là những người thương tật nặng, chúng tôi càng thấm thía nỗi đau của bản nghèo Chu Va chưa biết khi nào mới nguôi ngoai. Ngoài 8 nạn nhân đã xanh cỏ, bản còn tới 38 người bị thương, trong đó có 12 người bị đa chấn thương nặng, như chấn thương sọ não, gãy cột sống, đốt sống cổ, phải cắt bỏ bộ phận nội tạng... Nhiều người khi được đưa vào viện cả tuần sau mới tỉnh lại. Phần lớn họ đều đang trong độ tuổi lao động, là trụ cột gia đình, có nhà 2 - 3 người cùng bị thương nặng. Từ ngày xảy ra “thảm họa” lật cầu Chu Va, gia cảnh những gia đình có người đi viện lại càng thêm khốn khó. 

Cậu học sinh lớp 9 Chang A Nam kể: “Hôm rơi xuống suối ngất luôn tại chỗ. Khi tỉnh dậy ở bệnh viện mới biết mình bị cắt một bên lá lách và một quả thận”. Nam đang phải nghỉ học và cũng không biết bao giờ đi học trở lại”. 

Nặng hơn Nam là cậu bé Chang A Thành, nhà ở ngay đầu bản, có bố bị gãy chân, còn bản thân bị chấn thương sọ não và vỡ xương bánh chè. Xuất viện, Thành về nhà nằm một chỗ, hỏi chuyện gì cũng bảo không nhớ. Mẹ Thành mếu máo: “Buồn quá không khóc được nữa. Chuyện học hành của cháu chắc không được nữa. Sức khỏe cũng không còn, nên chẳng biết mai sau thế nào”.

Cũng theo ông Đỗ Văn Giang, một tháng sau thảm họa, vẫn còn 3 nạn nhân nữa chưa thể xuất viện, trong đó có một người phải chuyển lên tuyến trên điều trị. Đó là nạn nhân Giàng Văn Thương - 26 tuổi, bị rách thận phải và vỡ ruột, phải chuyển lên Bệnh viện Việt Đức ngày 14/3 và sau một tuần lại về viện tỉnh nằm điều trị. Vợ Giang kể: “Hai vợ chồng chỉ ở nhà làm nương rẫy, ngày rỗi rãi đi kiếm được việc làm thuê, mỗi tháng cũng có mấy trăm ngàn. Bây giờ chồng nằm viện, không kiếm được tiền, lại phải nhờ bố mẹ đẻ xuống trông nhà. Biết vợ chồng không còn chỗ vay mượn, bố mẹ vừa phải bán đi con trâu duy nhất để lấy 10 triệu đồng cho con”. 

Theo ông Vàng A Hồ - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình, hai bản Chu Va 6 và 8 trước kia là một bản, có hơn hai trăm hộ gia đình, thu nhập chính từ làm ruộng và trồng thảo quả nên đời sống nhiều khó khăn. Người dân nơi đây sống với nhau tình cảm, thấy có việc tang, không chỉ anh em, họ hàng, mà người trong bản đều đến đưa tang. Sau vụ tai nạn, có những gia đình chỉ còn lại vợ trẻ, con thơ, sau này sẽ rất khó khăn trong việc nuôi dạy con. Nhiều người bị thương nặng sẽ không thể làm việc được nữa. Trong xã chắc sẽ có nhiều nhà rơi vào diện hộ nghèo, tái nghèo. Xã không có nguồn gì để hỗ trợ, cũng chỉ có thể xem xét để làm thủ tục đề nghị Nhà nước hỗ trợ.

Theo Thanh Lộc (Giaothongvantai.com.vn)
Nguồn:

Tin liên quan