TP.HCM: Sởi chưa tan nhiều bệnh khác đã lan tràn

Ngày 19/04/2014 18:24 PM (GMT+7)

Hiện nay, số ca nhập viện vì sởi tại TP.HCM đã giảm hơn so với tháng 3 nhưng vẫn còn khá phức tạp và có nguy cơ đồng nhiễm.

Trong những ngày qua, số lượng phụ huynh đưa trẻ đến bệnh viện khám tại TP.HCM do nghi bị bệnh sởi vẫn rất đông. Theo ghi nhận, rất nhiều phụ huynh lẫn các bé mệt mỏi khi đứng chờ khám ở các bệnh viện.

Trong đó, tại bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và bệnh viện Nhiệt Đới các trẻ dưới 2 tuổi khá đông. Trong đó, số ca nhập viện, đang điều trị ở mỗi bệnh viện vì bệnh sởi trên dưới 50 trẻ. Một số bác sĩ cho biết, do số bệnh nhân quá đông, nhiều hôm, bác sĩ, y tá không kịp ăn cơm trưa.

TP.HCM: Sởi chưa tan nhiều bệnh khác đã lan tràn - 1

Đây là hình ảnh quen thuộc ở các bệnh viện trong thời gian gần đây

Do bệnh sởi đang diễn biến phức tạp, mấy ngày qua, nhiều phụ huynh nhanh chóng đưa con em mình đi tiêm vắc xin phòng sởi. Vắc xin được lựa chọn nhiều nhất là 3 trong 1, ngừa sởi, quai bị và rubella. Hiện nay, đã có tình trạng “cháy” vắc xin ở một số điểm. Do đó, Cục quản lý dược đã nhập khẩu khẩn cấp theo hình thức cấp phép không có số đăng ký về nước ta 77.800 liều vắc xin.

Theo kết quả mới nhất, từ đầu năm đến nay có khoảng 600 trẻ mắc bệnh sởi trên toàn địa bàn TP.HCM. Trong đó, bệnh viện Nhi Đồng 1 được phụ huynh chọn khám nhiều nhất trên dưới 100 trẻ mỗi tuần. Bệnh viện Nhi Đồng 2, mỗi tuần trung bình có khoảng 70 đến 80 trẻ đến khám. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết, tháng 3 có số lượng trẻ nhập viện nhiều nhất, khoảng chừng 350 trẻ. Hiện nay, số lượng ca nhập viện thấp chừng 20%. Đặc biệt, có khoảng 10% trẻ biến chứng viêm phổi phải thở oxy.

TP.HCM: Sởi chưa tan nhiều bệnh khác đã lan tràn - 2

Hiện nay, số lượng trẻ nhập viện vì sởi đã giảm so với tháng trước

Theo ghi nhận, hiện nay, tại bệnh viện Nhi Đồng 1, có em Đỗ Tiến Đạt, 10 tuổi, quê tỉnh Tây Ninh đang phải mới máy do biến chứng viêm phổi nặng. Bên cạnh đó, tại các bệnh viện rất nhiều trẻ trên 9 tháng tuổi, thời điểm có thể được tiêm chủng vắc xin phòng sởi, nhưng vẫn chưa được tiêm phòng.

Hiện nay, bệnh sởi đã lan rộng ra các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An… nên việc phòng chống sởi trong thời gian tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Các bác sĩ cho rằng, hiện nay chưa có cơ sở để xác định virus sởi đã biến đổi. “Mặc dù vậy, do số lượng trẻ nhập viện quá đông, lực lượng y bác sĩ không thể chăm sóc tốt là hiện trạng đang diễn ra”, một bác sĩ nói.

Thời tiết tại TP.HCM nắng nóng, dự đoán, thời gian tới sẽ có nhiều bệnh truyền nhiễm khác xuất hiện. Trong khi bệnh sởi vẫn đang phức tạp thì bệnh thủy đậu vẫn khiến các chuyên gia y tế đau đầu. Được biết, từ đầu năm đến nay, có hơn 350 ca mắc bệnh thủy đậu phải nhập viện. Bên cạnh đó, bệnh chân tay miệng với số lượng ca nhiễm bệnh lên đến gần 2.000. Không chỉ thế, trên địa bàn cũng có khoảng 2.200 ca sốt xuất huyết phải nhập viện.

TP.HCM: Sởi chưa tan nhiều bệnh khác đã lan tràn - 3

Bác sĩ Khanh cho rằng, nguy cơ đồng nhiễm sởi với các bệnh khác có thể diễn ra

Hầu hết các bác sĩ khuyên, thời điểm hiện tại, các phụ huynh không nên cứ phát hiện con em bị nhiễm sởi thì lại đưa đến bệnh viện. Nếu bệnh nhi không có biến chứng thì nên điều trị ở nhà, trạm y tế phường xã. Nếu phụ huynh nhận thấy trẻ bị biến chứng suy hô hấp thì hãy chuyển lên bệnh viện tuyến quận, huyện. Bởi, các bệnh viện lớn trên địa bàn hiện nay đang lâm vào tình trạng quá tải. Do đó, khi nhập viện thì các bệnh nhi lẫn người nhà gặp phải rất nhiều khó khăn và có thể bị lây nhiễm chéo.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết, mặc dù bệnh sởi đang phát triển và lan rộng trên địa bàn, nhưng từ đầu năm đến nay chưa có ca nào biến chứng nặng. Hiện nay, nguy cơ đồng nhiễm sởi với các bệnh khác có thể diễn ra. Bác sĩ Khanh khuyên, điều các phụ huynh nên làm hiện nay là vệ sinh nhà cửa, ăn chín uống sôi, đưa con em đến các trung tâm để tiêm phòng bệnh sởi.

Nhật Bình
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan